Nghệ sĩ Tuấn Đăng bị bệnh viện trả về và qua đời tại nhà riêng ở tuổi 83. Nghệ sĩ Tuấn Đăng trút hơi thở cuối cùng vào lúc 4g sáng ngày thứ tư 6 tháng 4-2016 (giờ Việt Nam), sau 5 tháng chống chọi với bệnh tật. Hai tuần trước khi mất, ông lên cơn đau kéo dài, người nhà đã đưa ông vào bệnh viện. Nhưng bác sĩ từ chối vì không còn khả năng cứu chữa.
Trước đó, ông bị chẩn đoán bị ung thư vòm họng vào cuối năm 2015. Tuy nhiên, vì không có tiền điều trị, hơn nữa tuổi đã cao không thể chịu đựng cơn đau khi hóa trị nên 4 người con đưa ông về nhà. Chỉ sau một thời gian ngắn, cựu thành viên nhóm nhạc AVT sụt hơn 10 kg, cơ thể ông teo hóp lại.
Căn bệnh đã khiến cổ họng ông đau rát, không thể trò chuyện cũng không tiếp nạp được thức ăn. Con gái út của nghệ sĩ Tuấn Đăng chăm sóc ông tại nhà riêng trong những ngày tháng cuối đời. Mỗi ngày ông chỉ ăn được vài muỗng cháo và uống vài ngụm sữa. Mỗi khi lên cơn ho, ông quằn quại trong đau đớn. Những lúc như vậy, gia đình phải đi xin thuốc ở phòng y tế của phường hoặc nhà thờ.
Tang lễ của nghệ sĩ Tuấn Đăng diễn ra sáng 9-4-2016 tại nhà riêng. Ông sẽ được hỏa táng tại Bình Hưng Hòa, TP HCM.
Nghệ sĩ Tuấn Đăng là 1 trong 3 thành viên của nhóm nhạc AVT nổi tiếng nhất Sài Gòn vào thập niên 1960, từng có cát-xê cao ngất ngưỡng và được lưu diễn khắp nơi trên thế giới. Sau 75, nghệ sĩ Lữ Liên sang Mỹ định cư, Vân Sơn tự tử, còn Tuấn Đăng rơi vào cảnh túng quẫn. Ban nhạc tan rã, hàng đêm ông đi kéo đàn ở các phòng trà, nhà thờ để nuôi sống gia đình. Kinh tế ngày càng khó khăn, ông phải bán tháo những ngôi nhà ở trung tâm rồi kéo cả gia đình về căn nhà xập xệ ở quận 11, TP HCM. Lúc này vợ ông bị tâm thần nên gia cảnh càng sa sút. Những người con đều không có công việc ổn định nên không thể giúp cha già lúc bệnh tật. Ông phải chật vật sống qua ngày nhờ tình thương của bạn bè.
Nghệ sĩ Tuấn Đăng sinh năm 1938 quê ở Hải Dương. Tên thật là Trần Minh Tuyên. Gia đình ông có 3 anh em, người anh lớn năm nay đã 80, và cậu em trai cũng đã 73 tuổi. Ông có tất cả 4 người con: ba gái và 1 trai. Vì làm ăn thất bại, nên mỗi đứa con mỗi ngã, riêng ông hiện ở trong một căn nhà rất nhỏ, sống một mình giữa 12m vuông. Các con ông không ai nối nghiệp cha nhưng có hát trong ca đoàn. Nghệ danh Tuấn Đăng là do ông đặt. Tuấn Đăng kể lại: “Ông rất có khiếu về ca nhạc nên khi Biệt Đoàn VN Trung Ương tuyển dân chính ông đi thi và đậu, làm ăn lương như các ca sĩ nữ, chứ không phải lính văn nghệ”. Ông cho biết mình là một trong những người đầu tiên sáng lập ra ban tam ca AVT năm 1958 , trong đó có Anh Linh, Vân Sơn và Tuấn Đăng. Năm 1962, Anh Linh về công tác ở Nha Trang từ đó Lữ Liên mới thay thế. Sau 75, khi Lữ Liên rời khỏi VN, ông và Vân Sơn ở lại thỉnh thoảng vẫn gặp nhau. Có lúc, Tuấn Đăng có làm cho Câu Lạc Bộ Bến Nghé với chuyên môn ca và đờn Violon.
Năm 1958, trong danh sách của Đoàn Chiến Tranh Tâm Lý có 3 anh Tân Binh tên là Anh Linh, Vân Sơn, và Tuấn Đăng chuyên trình diễn những bản nhạc vui nhộn trong các buổi văn nghệ ủy lạo anh em chiến sĩ. Họ dùng 3 chữ đầu trong tên của họ để đặt tên cho ban nhạc. Từ đó, danh xưng AVT ra đời. Khi trình diễn, Ban AVT luôn mặc quốc phục, áo dài khăn đóng, dùng các nhạc khí Tây Phương và hát những bản nhạc trào phúng, vui tươi, đầy nghệ thuật do Lữ Liên biên soạn. Giọng ca của họ có khi lên cao chót vót, nhưng xuống cũng trầm đều. Họ từng được mệnh danh là Ban Kích Động Nhạc AVT. Đến năm 1960 thì ca sĩ Hoàng Hải thay thế Anh Linh. Sau khi Hoàng Hải giải ngũ thì Lữ Liên được mời vào thay thế. Sau năm 1975 Lữ Liên may mắn được tầu Mỹ cứu thoát sang định cư tại Mỹ. Vân Sơn và Tuấn Đăng bị kẹt lại. Vân Sơn đã tự vẫn trên giòng sông Thị Nghè. Còn Tuấn Đăng vì nặng nợ gia đình nên vẫn còn sống ở Sài Gòn. Tại hải ngoại, ban AVT Hải Ngoại với Lữ Liên, Vũ Huyến, Ngọc Bích (năm 1977, Trương Duy thay thế Ngọc Bích) tiếp tục truyền thống trào phúng, vui nhộn của AVT chính tông và bắt đầu cùng các anh chị em nghệ sĩ trình diễn khắp nơi từ năm 1976 cho đến năm 1987...